Thực đơn cho người bị đau dạ dày, Nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Với những người đang bị đau dạ dày, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe. Vậy “Thực đơn cho người bị đau dạ dày, Nên ăn gì và kiêng ăn gì?” chắc hẳn cũng là điều mà rất nhiều người đang quan tâm. Hãy để các chuyên gia dinh dưỡng tại MEDIPLUS giải đáp cho bạn thắc mắc này qua bài viết dưới đây nhé!

Những thực phẩm tốt cho người bị viêm loét dạ dày

Để dạ dày khỏe mạnh trở lại, bạn nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng các loại thực phẩm có khả năng bảo vệ và đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương bên trong dạ dày. Có thể kể đến một số nhóm thực phẩm khuyên dùng sau:

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ chủ yếu có trong các loại rau xanh như rau ngót, các loại cải, súp lơ, mồng tơi không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa hàm lượng lớn magie tốt cho hoạt động của cơ bắp, tim và hệ miễn dịch. Việc cung cấp đầy đủ chất xơ cho cơ thể sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng hơn, giảm thiểu tình trạng táo bón, khó tiêu.

Thực phẩm chứa Probiotic

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để cải thiện các vấn đề về tiêu hóa thì nên bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi vào cơ thể để chống lại các vi khuẩn có hại đang phá hủy đường tiêu hóa. Cách đơn giản nhất chính là bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều probiotic vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày như sữa chua, men vi sinh. Nên bổ sung probiotic sau khi ăn khoảng 15-20 phút để việc hấp thu đạt hiệu quả tốt nhất.

Thực phẩm chứa nhiều Pectin

Tương tự như probiotic, hoạt chất pectin khi đưa vào cơ thể sẽ giúp lấy lại sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Pectin được coi như một kháng sinh tự nhiên cho đường ruột, được tìm thấy rất nhiều trong các loại hoa quả như ổi, nho, lê, táo. Khi ăn những loại hoa quả này, cơ thể vừa được bổ sung pectin lại vừa được cung cấp một lượng lớn vitamin và chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa không chỉ giúp bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi sự tấn công của các vi khuẩn có hại mà còn đóng vai trò như một chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương ở dạ dày. Đóng vai trò then chốt như vậy, việc bổ sung những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa là điều cần thiết. Đu đủ, cà rốt, cà chua, bông cải xanh là một số loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa mà bạn nên đưa vào thực đơn dinh dưỡng khi bị đau dạ dày.

Thực đơn cho người đau dạ dày – Bác sĩ chia sẻ

Nếu không may bị đau dạ dày hoặc có người thân bị bệnh, cần đặc biệt quan tâm hơn trong chế độ dinh dưỡng, bạn nên ưu tiên những món ăn mềm, thanh mát và dễ tiêu hóa như:

  • Sữa chua: Vừa bổ sung nhiều lợi khuẩn cho đường ruột lại vô cùng tiện lợi khi sử dụng, là thực phẩm vô cùng hoàn hảo cho hệ tiêu hóa.
  • Táo: Chứa hàm lượng pectin dồi dào sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn.
  • Gừng: Uống nước gừng nóng chính là bài thuốc dân gian lâu đời được ông bà ta truyền lại khi gặp phải tình trạng khó tiêu, đầy bụng. Chính bởi tính ấm nóng lại chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên nên gừng mới có tác dụng giảm đau dạ dày hiệu quả.
  • Chuối chín: Kali trong chuối chín khi đưa vào cơ thể sẽ giúp trung hòa nhanh axit dư thừa có trong dạ dày, từ đó giúp giảm nhanh nguy cơ gây viêm loét, tổn thương dạ dày.
  • Khoai lang: Tinh bột ở trong khoai lang khi đưa vào cơ thể sẽ giúp hình thành một hàng rào vững chắc, bảo vệ đường ruột khỏi mọi sự tấn công từ vi khuẩn, axit dạ dày. Ngoài ra, với hàm lượng chất xơ, canxi, magie dồi dào bên trong, khoai lang còn giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, dạ dày cũng dần trở nên khỏe mạnh hơn.

Những loại thức ăn không nên ăn khi bị đau dạ dày

Ngoài việc bổ sung thêm nhiều thực phẩm tốt cho dạ dày, bạn cũng nên tránh một số loại thực phẩm có hại sau:

  • Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ: Thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu khi đưa vào cơ thể sẽ gây ra một áp lực rất lớn cho dạ dày, khiến bộ máy tiêu hóa phải làm việc với cường độ cao mới tiêu hóa hết. Lâu ngày sức khỏe của dạ dày sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu ăn quá nhiều các loại đồ ăn này.
  • Thức ăn cay nóng: Ăn nhiều đồ ăn cay nóng sẽ làm cho các vết loét trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế nên đồ ăn cay nóng mới được coi là kẻ thù số một của người đau dạ dày.
  • Hạn chế ăn nhiều đồ ăn lên men: Người Việt hay có thói quen ủ dưa muối để ăn hàng ngày. Tuy nhiên đây là một nét văn hóa rất có hại cho sức khỏe của người dạ dày nói riêng và những người có vấn đề về đường tiêu hóa nói chung. Các thực phẩm này khi vào cơ thể sẽ làm gia tăng nồng độ axit dạ dày, làm cho các vết loét trở nên nghiêm trọng. Chính vì thế, đồ ăn lên men nên được loại bỏ ngay khỏi thực đơn của người đau dạ dày.
  • Tránh xa các chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn là những chất vô cùng nguy hại cho dạ dày mà đến cả người khỏe mạnh cũng nên tránh xa. Vì thế, người có vấn đề về đường tiêu hóa nên loại bỏ các chất kích thích ra khỏi cuộc sống càng sớm càng tốt.

Những lưu ý ăn và chế biến đồ ăn cho người bị đau dạ dày

Thói quen ăn uống và cách chế biến thức ăn cũng là yếu tố quan trọng tham gia vào quá trình phục hồi của dạ dày. Vì vậy, có một số lưu ý khi ăn và chế biến thức ăn bạn cần quan tâm khi bị đau dạ dày như:

  • Khi ăn nên nhai kỹ, chậm rãi từng miếng nhỏ trước khi nuốt.
  • Khi ăn không nên nói chuyện, cười đùa.
  • Sau khi ăn xong nên nghỉ ngơi, tránh vận động quá sức.
  • Không nên ăn quá no gây tăng gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày.
  • Thức ăn nên được nấu chín, thái nhỏ, ninh nhừ để dạ dày dễ dàng tiêu hóa hơn.
  • Nên chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày để tránh dạ dày bị rỗng, tăng tiết axit, co bóp mạnh, làm các tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Nấu nhiều các món luộc, hấp thay vì các món chiên xào nhiều dầu mỡ gây kích thích dạ dày.

Mẫu thực đơn cho người đau dạ dày

Dưới đây là một số mẫu thực đơn cho người đau dạ dày mà bạn có thể tham khảo và áp dụng vào các bữa ăn của gia đình. Với bữa sáng lúc 7 giờ, bữa trưa lúc 11 giờ, bữa phụ chiều lúc 14-15 giờ và bữa tối lúc 18-19 giờ:

Bữa sáng

  • Thực đơn 1: 1 bát cháo, 1 ly sữa 200ml
  • Thực đơn 2: 1 ổ bánh mì, 1 ly sữa tươi không đường
  • Thực đơn 3: 1 bát phở thịt băm
  • Thực đơn 4: 1 bát cháo thịt băm

Bữa trưa

  • Thực đơn 1: 2 bát cơm nấu mềm, 1 quả trứng luộc, canh rau ngót thịt băm
  • Thực đơn 2: 2 bát cơm nấu mềm, thịt luộc, rau mồng tơi xào
  • Thực đơn 3: 2 bát cơm nấu mềm, cá kho, đỗ luộc
  • Thực đơn 4: 2 bát cơm nấu mềm, rau cải luộc, trứng kho thịt

Bữa phụ

  • Thực đơn 1: 1 quả chuối
  • Thực đơn 2: 1 quả thanh long
  • Thực đơn 3: 2 quả hồng xiêm
  • Thực đơn 4: Dưa hấu

Bữa tối

  • Thực đơn 1: 2 bát cơm nấu mềm, rau cải luộc, thịt kho
  • Thực đơn 2: 2 bát cơm nấu mềm, đậu xào cà chua, bí đao luộc
  • Thực đơn 3: 2 bát cơm nấu mềm, xu xu luộc, thịt xào cà chua
  • Thực đơn 4: 2 bát cơm nấu mềm, tôm hấp, bông cải xanh luộc

Trên đây là gợi ý một số mẫu thực đơn cho người đau dạ dày có thể tham khảo, cũng như lưu ý cho người bị đau dạ dày nên ăn gì và kiêng ăn gì. Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị, tránh để quá lâu làm tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Tổ hợp Y tế MEDIPLUS trang bị đầy đủ thiết bị nội soi tiêu hóa BLI hiện đại và hội tụ đủ các bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành trong lĩnh vực tiêu hóa, đảm bảo đem đến cho khách hàng dịch vụ uy tín và chất lượng nhất.

Để được tư vấn và đặt lịch thăm khám tại MEDIPLUS, khách hàng xin vui lòng liên hệ: Hotline 1900 3366 hoặc Inb trực tiếp tới fanpage Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để được giải đáp nhanh nhất.