Thực đơn cho bà bầu theo từng giai đoạn

Ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ, thực đơn cho bà bầu cũng sẽ không giống nhau, với mục tiêu đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện cho thai nhi. Dưới đây là những nguyên tắc lên thực đơn cho bà bầu theo từng giai đoạn để giúp các bà bầu có được chế độ ăn lành mạnh và hợp lý.

Thực đơn cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ nhất

Tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm trong thai kỳ. Bà bầu thường ốm nghén và có nhiều triệu chứng khó chịu như buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, đắng miệng, chán ăn, v.v… Do đó, trong thực đơn của 3 tháng đầu, ưu tiên các thực phẩm giàu folate, sắt và canxi để đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Tránh các thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, muối chua, rau mầm sống, rau củ quả mọc mầm, thực phẩm chưa nấu chín hay các loại thực phẩm có mùi khó chịu.

3 tháng đầu, bà bầu chưa cần thiết phải tẩm bổ quá nhiều vì thai nhi còn nhỏ

Thực đơn cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ hai

Tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm bà bầu nên tập trung vào việc ăn uống. Thai nhi đã lớn dần và cần nhiều dinh dưỡng hơn. Trong thực đơn của giai đoạn này, cần đa dạng hóa các loại thực phẩm giàu folate, sắt và canxi. Bên cạnh đó, bổ sung đạm, chất xơ và các loại vitamin A, C, D. Tránh thực phẩm đóng hộp và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thực đơn cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ ba

Tam cá nguyệt thứ ba là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển cân nặng và trí não của thai nhi. Trong thực đơn của giai đoạn này, cần chú trọng bổ sung các dưỡng chất omega-3, choline để tốt cho trí não và thần kinh của bé. Đồng thời, sữa và các chế phẩm từ sữa cũng rất cần thiết cho sự phát triển của hệ xương.

Càng về cuối thai kỳ, bà bầu càng phải chú trọng vào thực đơn ăn uống

Tóm lại, thực đơn cho bà bầu cần đầy đủ các nhóm chất. Trong mọi giai đoạn của thai kỳ, bà bầu cần tránh thực phẩm nhiều đường, nhiều tinh bột để tránh tiểu đường thai kỳ, thực phẩm nhiều muối để tránh gây phù nề, các thực phẩm gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa và hải sản có hàm lượng thủy ngân cao.

Ngoài ra, luôn ưu tiên chọn thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng và chế biến cẩn thận. Bên cạnh đó, để tránh cảm giác nặng bụng, khó tiêu, bà bầu không nên ăn quá no mà hãy chia thành nhiều bữa ăn trong ngày. Khi ăn, nên ngồi thẳng người và nhai thật chậm. Đồng thời, uống nhiều nước (8 ly/ngày) để phòng tránh táo bón thường gặp.

Tham khảo thực đơn cho bà bầu trong 1 tuần

Dưới đây là một thực đơn cho bà bầu trong 1 tuần để bạn tham khảo và áp dụng, từ đó có được chế độ ăn lành mạnh và hợp lý.

Thứ hai

  • Bữa sáng: Phở, táo.
  • Bữa sáng phụ: Sữa, bắp luộc.
  • Bữa trưa: Cơm, sườn kho, giá xào, canh cải, quýt.
  • Bữa trưa phụ: Trái cây sấy và hạt.
  • Bữa tối: Cà ri gà, chè bắp.

Thực đơn cho bà bầu cần đa dạng, linh hoạt và đầy đủ các nhóm chất

Thứ ba

  • Bữa sáng: Bánh mì nguyên cám, trứng, salad.
  • Bữa sáng phụ: Sữa óc chó.
  • Bữa trưa: Cơm, rau muống xào thịt bò, canh khoai mỡ, lê.
  • Bữa trưa phụ: Bánh quy, sữa.
  • Bữa tối: Mì xào hải sản, salad trộn.

Thứ tư

  • Bữa sáng: Bún riêu, bơ.
  • Bữa sáng phụ: Sữa chua mix hạt.
  • Bữa trưa: Cơm, canh bí đao nấu sườn, cải bó xôi xào bò, cam.
  • Bữa trưa phụ: Bột ngũ cốc.
  • Bữa tối: Cơm, cá sốt cà chua, canh củ hầm sườn non.

Thứ năm

  • Bữa sáng: Bánh mì bơ tỏi, sữa.
  • Bữa sáng phụ: Mãng cầu ta.
  • Bữa trưa: Cơm, súp lơ xào tôm, canh tầng ô nấu thịt, vú sữa.
  • Bữa trưa phụ: Sữa chua dầm dâu.
  • Bữa tối: Cơm, canh mồng tơi nấu nghêu, cá hú kho.

Tăng cường rau xanh và trái cây trong thực đơn để phòng tránh táo bón cho bà bầu

Thứ sáu

  • Bữa sáng: Súp, thanh long
  • Bữa phụ sáng: Sữa chua, khoai sấy.
  • Bữa trưa: Cơm, tôm sốt cà, canh măng chua cá chép, nho.
  • Bữa phụ trưa: Bánh flan.
  • Bữa tối: Cơm, canh bí đỏ nấu thịt, tôm rim, đu đủ.

Thứ bảy

  • Bữa sáng: Cháo cá, nước mía.
  • Bữa phụ sáng: Sữa hạt óc chó.
  • Bữa trưa: Cơm, thịt gà kho, canh mướp, sa-po-che.
  • Bữa phụ trưa: Chè mè đen.
  • Bữa tối: Cơm, canh nấm, trứng hấp thịt.

Chủ nhật

  • Bữa sáng: Hoành thánh, sữa.
  • Bữa phụ sáng: Chuối, phô mai.
  • Bữa trưa: Cơm, sườn chua ngọt, canh cải nấu thịt băm, nước ép bưởi.
  • Bữa phụ trưa: Chè đậu đỏ cốt dừa.
  • Bữa tối: Cơm, thịt kho trứng cút, canh mướp nhồi thịt, ổi.

Lưu ý rằng đây chỉ là thực đơn tham khảo. Thực tế, thực đơn cụ thể cần thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với sở thích, khẩu vị, sức khỏe và chỉ định từ bác sĩ sản khoa. Bên cạnh thực đơn, bà bầu cần bổ sung sắt và canxi theo hướng dẫn của bác sĩ. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến từ chuyên khoa Sản Phụ khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để có được sự tư vấn kỹ hơn về lịch khám và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Hãy gọi hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ đặt lịch khám và tư vấn sức khỏe.