Ngộ độc lân ở cây trồng: Những hiểm họa không ngờ

Ảnh hưởng của việc thừa lân đối với cây trồng?

Thông thường, khi hàm lượng lân trong môi trường trồng trọt vượt quá mức, sẽ xảy ra sự mất cân bằng, ảnh hưởng đến sự hấp thụ và sử dụng của các nguyên tố dinh dưỡng khác. Thừa lân trong đất làm giảm khả năng hấp thụ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, đặc biệt là sắt (Fe) và kẽm (Zn), ngay cả khi các xét nghiệm đất đã cho thấy đủ lượng chất dinh dưỡng đó trong đất. Ngoài ra, thừa lân cũng cản trở quá trình hấp thu canxi bình thường.

Ngộ độc lân ở lúa
Hình: Ngộ độc lân ở lúa

Bao nhiêu lân là quá nhiều?

Các loài cây trồng khác nhau có nhu cầu lân khác nhau để đạt được sự sinh trưởng tối ưu. Chúng cũng có ngưỡng độc tính khác nhau đối với lân. Mức lân nào được coi là độc hại vẫn chưa được xác định rõ ràng đối với hầu hết các loại cây trồng. Một số nghiên cứu cho rằng, hàm lượng lân trong lá vượt quá 1% chất khô có khả năng gây độc. Các nghiên cứu cũng đã quan sát thấy sự xuất hiện của stress dinh dưỡng ở cây cà chua khi mức lân trong lá vượt quá 1% chất khô, đặc biệt là đối với cây trồng trong thùng và cây trồng bằng phương pháp thủy canh.

Thực vật có khả năng giữ lân dư thừa trong không bào và cung cấp nó cho tế bào khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu lượng dư thừa này quá nhiều, cây trồng sẽ bị hư hại. Lân dư thừa tích tụ trong các lá già và gây độc. Điều này dẫn đến việc hấp thụ nhiều đạm hơn, làm chậm quá trình hình thành cơ quan sinh sản – hoa. Đối với cây ăn quả, việc bị thừa lân khi thu hoạch sẽ làm giảm kích thước và chất lượng quả.

Những dấu hiệu nhận biết ngộ độc lân ở thực vật là gì?

Các triệu chứng của ngộ độc lân chưa được xác định rõ ràng đối với hầu hết các loại cây trồng. Tuy nhiên, một số triệu chứng được xác định là do ngộ độc lân bao gồm: mô lá giữa các gân lá bị chết, rìa lá đỏ, mép lá bị cháy. Chết giữa các gân lá cũng là một triệu chứng của ngộ độc mangan (Mn), trong khi ‘cháy’ lá xảy ra khi thiếu kali (K) và magiê (Mg). Tuy nhiên, ngộ độc lân xảy ra trên tất cả các lá, trong khi mangan và kali/magiê chỉ ảnh hưởng đến các lá già hơn.

Ở dưa leo, mất màu lá thường xảy ra khi lượng lân trong lá chiếm 1,5%. Ở đậu nành, sẽ có màu nâu đỏ ở mép lá, màu đỏ ở gân lá và giữa các gân lá, sau đó dần sậm màu. Thực vật thừa lân cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng thiếu canxi, do lân cản trở quá trình hấp thu canxi bình thường. Các triệu chứng này bao gồm cây có màu nâu, phần lá và rễ mới chết dần, dễ nhiễm bệnh, quả và hạt kém chất lượng.

Cây sống lâu năm và hàng năm có rễ cạn thường thiếu sắt và kẽm do thừa lân. Ngoài ra, cây ưa đất chua lại được trồng ở đất trung tính đến kiềm thường có các triệu chứng thiếu hụt. Thiếu sắt biểu hiện bằng hiện tượng vàng giữa các gân lá. Sự thiếu hụt kẽm sẽ làm mô bị tẩy trắng. Cả thiếu sắt và kẽm có thể xảy ra đồng thời ở các mô non nhất và khó xác định nguyên nhân chính xác.

Các triệu chứng ngộ độc lân này rất giống với các triệu chứng ngộ độc dinh dưỡng khác. Do đó, bạn cần đánh giá nếu cây của bạn bị nhiễm độc lân hay các khoáng chất khác dựa trên những chất dinh dưỡng đã cung cấp cho đất.

Ngộ độc lân ở dưa leo
Hình: Ngộ độc lân ở dưa leo

Xử lý tình trạng cây bị ảnh hưởng do thừa lân như thế nào?

Thừa lân ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ các dinh dưỡng khác, do đó điều quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ phân bón để đảm bảo tránh tác động không mong muốn. Tác động phổ biến nhất khi thiếu lân là cản trở hấp thụ sắt và kẽm, do đó cây cần được bổ sung thêm sắt và kẽm. Tuy nhiên, chỉ việc bổ sung sắt và kẽm vào đất không hiệu quả.

Nghiên cứu cho thấy sắt bón trong đất nhanh chóng bị buội chặt bởi đất kiềm và khả năng cung cấp cho cây bị hạn chế. Trên đất có nồng độ lân cao, cả sắt và kẽm đều nhanh chóng chuyển sang dạng không hữu dụng. Tuy nhiên, cung cấp sắt và kẽm qua lá vẫn hiệu quả.

Công ty TNHH Funo biên tập