Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam

Bs Nguyễn Quốc Việt – Khoa Ngoại TN-LN

ĐẠI CƯƠNG

Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu chuyên chở máu nghèo oxy từ ngoại vi về tim, trừ hệ thống tĩnh mạch phổi. Trong lòng các tĩnh mạch, có các van một chiều nhằm ngăn dòng máu chảy ngược. Nếu van tĩnh mạch không hoạt động tốt, máu không chảy về tim sẽ gây ra hiện tượng máu bị ứ lại, gọi là trào ngược hoặc suy tĩnh mạch.

Chức năng tĩnh mạch chi dưới:

  • Hồi lưu máu từ chân về tâm thất phải.
  • Bể chứa máu (65 – 75% lượng máu cơ thể).
  • Điều hòa cung lượng tim.
  • Điều hòa nhiệt độ da dưới các điều kiện thời tiết.

Hồi lưu máu tĩnh mạch chi dưới về tim:

  • Máu từ nông vào sâu nhờ các nhánh xuyên và từ tĩnh mạch hiển lớn đổ trực tiếp vào tĩnh mạch đùi chung, tĩnh mạch hiển bé đổ trực tiếp vào tĩnh mạch khoeo.
  • Máu đi từ dưới lên trên.

Các yếu tố đảm bảo quá trình hồi lưu máu tĩnh mạch bao gồm sức ép của bàn chân khi bước đi, lực bóp của khớp và cơ, hệ thống van chỉ cho máu đi từ nông vào sâu và từ dưới lên, và các yếu tố khác như trương lực tĩnh mạch, co thắt mạch máu do tư thế, sự lan truyền của lực co bóp của động mạch đi kế bên, lực hút của cơ hoành, lực hút của tim…

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Có nhiều yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh suy tĩnh mạch như tuổi tác, di truyền, giới tính, thai kỳ, nghề nghiệp, nguy cơ tăng dần theo thời gian, và béo phì.

SINH LÝ BỆNH

Sự ứ đọng tĩnh mạch dẫn đến tăng áp mạch tĩnh mạch, đóng cơ thắt tiền đình mao mạch, giảm thải chất cặn bã, tăng tính thấm mao mạch, tăng lưu lượng và gây viêm. Kết quả là đau, cảm giác nặng chân, nóng, dị cảm.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng của suy tĩnh mạch có thể bao gồm:

  • Cảm giác đau, nặng chân nhất là khi đứng lâu, tê, nóng rát, ngứa.
  • Phù chân nhẹ, thường là ở vùng cổ chân, nặng dần về chiều, giảm khi nằm kê chân cao, tiếp xúc với lạnh hoặc mang vớ thun băng ép.
  • Một số triệu chứng khác có thể liên quan đến suy tĩnh mạch mạn tính như vọp bẻ vào ban đêm, cảm giác mỏi chân, chân không “ngơi nghỉ”.

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Tiến triển của suy tĩnh mạch xảy ra trong hai giai đoạn:

  • Thời kỳ còn bù: Bệnh nhân có cảm giác tức, nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng lâu, có thể xuất hiện phù nề nhẹ ở cẳng hoặc bàn chân và vào cuối ngày làm việc, nghỉ ngơi thì hết phù nề. Các tĩnh mạch nông ở chân giãn chưa nhiều, không liên tục.
  • Thời kỳ mất bù: Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác tê chân, ngứa da vùng tổn thương, đau khi đi bộ. Triệu chứng phù nề không mất đi khi nghỉ ngơi. Có thể xuất hiện các tổn thương da như viêm da, xơ cứng da, loét…

ĐIỀU TRỊ

Điều trị suy tĩnh mạch có thể thực hiện theo hai phương pháp:

  • Nội khoa: Thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc hằng ngày, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, làm bền thành mạch.
  • Ngoại khoa: Thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các tĩnh mạch giãn.

ĐIỀU TRỊ BẰNG PHƯƠNG PHÁP LASER NỘI TĨNH MẠCH

Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội tĩnh mạch mang lại nhiều lợi ích, bao gồm ít xâm lấn, thời gian điều trị ngắn, phục hồi nhanh chóng và tỷ lệ biến chứng thấp.

Chỉ định:

  • Có triệu chứng như nặng chân khi đứng lâu, ngồi lâu.
  • Quai tĩnh mạch giãn từ C2 theo phân loại CEAP.
  • Siêu âm doppler mạch máu cho hình ảnh đường kính tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé và có dòng trào ngược.

Chống chỉ định:

  • Đang mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Bệnh lý rối loạn đông máu hoặc đang điều trị thuốc chống đông.
  • Cơ địa tăng đông, rối loạn chức năng gan.
  • Dị ứng với thuốc tê.
  • Huyết khối tĩnh mạch nông và sâu.
  • Dị dạng mạch máu bẩm sinh.

Kỹ thuật thực hiện:

  • Siêu âm Doppler kiểm tra và vẽ đường đi của tĩnh mạch hiển, quai tĩnh mạch hiển.
  • Đánh dấu điểm cách quai 2cm và điểm luồn dây laser.
  • Sát trùng và rửa tay ngoại khoa.
  • Dùng lidocain 2% để gây tê tại chỗ.
  • Luồn dây laser vào tĩnh mạch.
  • Tiêm dung dịch lidocain xung quanh thân tĩnh mạch.
  • Sử dụng laser để xơ hoá và làm teo tĩnh mạch.

CHĂM SÓC HẬU PHẪU

Sau thủ thuật, bệnh nhân được quấn băng thun ép hoặc mang vớ tĩnh mạch trong vòng 5 ngày. Bệnh nhân được theo dõi sau điều trị để đánh giá hiệu quả và tránh tình trạng bầm, sưng.

TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG

Một số tai biến và biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật, nhưng tỷ lệ xảy ra thấp và biến chứng thường nhẹ.

LỢI ÍCH CỦA PHƯƠNG PHÁP

Phương pháp laser nội tĩnh mạch mang lại nhiều lợi ích như ít xâm lấn, thời gian điều trị ngắn, phục hồi nhanh chóng, và tỷ lệ biến chứng thấp. Nó cũng có tính thẩm mỹ cao, với sẹo nhỏ và chi phí phẫu thuật không cao.

laser1

laser2

laser6

laser8

laser9